"Giá đắt" là một trong những điểm đặc trưng nhất của các sản phẩm Apple . Tuy vậy, nghịch lý là những thiết bị này vẫn bán chạy mặc cho rào cản về giá bán?!
Sản phẩm Apple luôn được định giá "trên trời"?!
Chúng ta đã không còn quá xa lạ với cái mác "Kẻ hút máu" của nhà Táo. So với toàn bộ thị trường, các thiết bị Apple đều được định giá cao ngất ngưởng, không chỉ trong làng smartphone. Không những vậy, giá bán của các sản phẩm này lại còn tăng đều qua từng năm bất chấp xu hướng "rẻ hóa" đang được các nhà sản xuất khác áp dụng.
- Tìm hiểu các loại mã iPhone, VN/A, LL/A, ZP/A… khác nhau như thế nào về phần cứng và bảo hành?
- [01/12/2019] Chia sẻ danh sách ứng dụng iOS đang được miễn phí trên App Store
- Tài khoản Twitter của Huawei đăng bài công khai xúc phạm Apple, có phải bị hack?
Cùng lấy một vài ví dụ về những sản phẩm điển hình để hiểu hơn về chiến thuật "hút máu" của Apple. Trong 3 năm gần đây, giá bán của iPhone liên tục tăng và đắt đỏ so với toàn bộ thị trường smartphone. Minh chứng là giá bán iPhone X , iPhone Xs và iPhone Xs Max hay mới nhất là các dòng iPhone 11 Pro, iPhone 11 Pro Max đã vượt ngưỡng 1,000 USD.
Chúng ta đã không còn nhiều lựa chọn cho những chiếc iPhone với mức giá hời (tất nhiên là so với Apple). Các mô hình rẻ nhất trong 2 năm qua như iPhone Xr hay iPhone 11 cũng đắt hơn iPhone 8 vào năm 2017. Ngoài ra, giá bán các sản phẩm khác cũng tương tự, MacBook Air tối thiểu đã tăng từ 1,000 lên 1,200 USD. Giá bán Mac Mini cũng đã nhảy vọt từ 500 lên đến 800 USD.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường BayStreet Research, trong khi giá bán trung bình các smartphone Android có xu hướng giảm từ 2012 – 2018 (các tính năng và công nghệ mới vẫn được bổ sung thêm hàng năm) thì hai ông lớn Samsung và Apple lại đang làm điều ngược lại. Trong đó, mức tăng của Táo khuyết đã đẩy giá bán trung bình iPhone vượt ngưỡng 800 USD.
Một dẫn chứng nữa, trong khi nhiều người cho rằng giá sản phẩm tăng qua từng năm một lần là do lạm phát, thuế,… Tuy nhiên sự thật là tổng lại của những yếu tố này so với mức tăng giá của Apple là một trời một vực. Dữ liệu từ BayStreet Research dưới đây đã cho thấy điều này. Mac Mini, iPhone và Apple TV là những cái tên có mức giá tăng khủng nhất từ năm 2014 – 2018.
Ý cuối cùng cho chuỗi dẫn chứng "vạch mặt" chiến lược hút máu của Táo khuyết chính là biên lợi nhuận trên mỗi sản phẩm. Các nhà phân tích tại IHS Markit đã chỉ ra rằng, giá vốn cho một chiếc iPhone X chỉ xấp xỉ 400 USD (nó được bán với giá 1,000 USD). iSuppli cũng vạch trần sự thật rằng giá bán của iPad thế hệ thứ 3 là quá cao (699 USD) so với giá vốn (366 USD).
Hàng Apple có thực sự đắt?
Mặc cho những "dèm pha" về giá bán sau mỗi sự kiện ra mắt sản phẩm mới, có một sự thật là hàng Apple vẫn bán "đắt như tôm tươi". Phải chăng người dùng hiện nay đã không còn quan tâm quá nhiều về giá nữa? Điều này chưa hẳn là hoàn toàn đúng, có lẽ nó chỉ áp dụng với mỗi sản phẩm của Apple.
Hãy quay lại với những yếu tố bạn quan tâm khi mua một thiết bị. Đầu tiên là thương hiệu, các công ty nổi tiếng, có chỗ đứng cao trên thị trường thường tính phí cao hơn một chút so với đối thủ mặc cho các sản phẩm không nhất thiết phải tốt hơn về hiệu suất hoặc tính năng. Apple, công ty được định giá ngàn tỷ đô là cái tên tiêu biểu cho trường phái này.
Apple đã thành công trong việc biến mình thành một thương hiệu cao cấp, sản phẩm của họ không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng mà còn nhắm tới việc mang lại một giá trị sống cao hơn cho người dùng. Việc trở thành một sản phẩm xa xỉ trong tâm trí người dùng là do Apple luôn không ngừng tập trung vào các sản phẩm cao cấp, chú trọng vào thiết kế, tính năng, linh kiện, bất kể mức chi phí phải bỏ ra là bao nhiêu.
Thật ra trước đó, Apple đã từng thử thâm nhập vào thị trường cấp thấp với chiếc iPhone 5c nhưng bất thành. iPhone 5c là chiếc điện thoại thông minh có giá cả phải chăng với phần thân máy được làm bằng nhựa, nhưng tiếc là nó không được khách hàng đón nhận. Thất bại này là một cú răn đe mạnh mẽ để Apple không mạo hiểm một lần nữa vào danh mục sản phẩm cấp thấp.
Thứ hai, giá trị "độc quyền" của sản phẩm Apple là một trong những yếu tố tiên quyết trong việc chọn mua của người dùng. Các sản phẩm của Apple đi kèm với phần mềm độc quyền của riêng họ, được sở hữu và bảo trì bởi chính Apple. Apple cũng phát triển các dịch vụ và nền tảng đi kèm như iCloud và iMessage, điều này làm tăng chi phí và được thêm vào giá của các sản phẩm Apple.
Hệ sinh thái khép kín đóng vai trò gia tăng trải nghiệm của người dùng, đặc biệt là cảm giác độc quyền. Việc tích hợp phần mềm và phần cứng của Apple cho phép thiết bị có hiệu suất và độ tin cậy tối ưu, hạn chế các phần mềm độc hại. Mặc dù không phải 100% an toàn nhưng chúng vẫn tốt hơn so với hầu hết các sản phẩm khác về mặt bảo mật.
Tiếp đến, cái giá mà người dùng phải trả cho một thiết bị Apple còn bao gồm cả chi phí "chất xám" mà nhà Táo dày công nghiên cứu, phát triển. Chúng ta chắc hẳn không quá xa lạ với việc các nhà sản xuất Android "sao chép" thiết kế, công nghệ của Apple, cũng là một lí do tại sao các sản phẩm Android thường có mức giá rẻ hơn.
Ngoài việc mua các linh kiện cao cấp, làm tăng chi phí sản xuất, Apple còn đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển. Họ luôn tìm kiếm sự đổi mới và hợp lý hóa các quy trình sản xuất, đồng thời rất cẩn thận trong việc lựa chọn các thành phần, linh kiện cho sản phẩm. Tất cả những thứ này kết hợp với nhau khiến cho các sản phẩm của Apple không rẻ.
Cuối cùng, một trong những lí do khiến sản phẩm Apple vẫn tiếp tục đắt chính là do động thái từ phía người dùng. Apple đang sở hữu một lượng lớn các khách hàng trung thành luôn sẵn sàng chi trả cho mọi sản phẩm, bất chấp việc chúng bị "ném đá" không thương tiếc về giá bán hay thiết kế. Minh chứng là các sản phẩm iPhone mới luôn cháy hàng trong những lần mở bán.
Cùng với đó, khi một người dùng đang sở hữu iPhone, họ sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được một sản phẩm trong hệ sinh thái Apple, iPad chẳng hạn, để dễ dàng sử dụng nhờ khả năng đồng bộ và liên kết giữa các thiết bị của mình mà Apple đang xây dựng.
Tạm kết
"Apple đắt nhưng xắt ra miếng", đó là những gì mà đại đa số người dùng và giới công nghệ đang nhận định về các sản phẩm của Táo khuyết. Mặc cho những định kiến về chiến lược giá cắt cổ của Apple, hàng Apple vẫn mua may bán đắt. Tuy nhiên, trước những cạnh tranh gay gắt đến từ các hãng Trung Quốc, liệu chiêu bài này của Apple có thể tồn tại được lâu?
MUA NGAY IPHONE CHÍNH HÃNG VN/A GIÁ TỐT
_ Tham gia group Thảo luận công nghệ CellphoneS : Tại đây
_ Like/follow fanpage Sforum.vn : FB.com/SforumTech
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét